Luật Hùng Phúc xin chia sẻ tới quý độc giả trình tự xử lý kỷ luật lao động theo quy định pháp luật mà doanh nghiệp cần nắm rõ qua bài viết dưới đây.
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động tại khoản 6 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 được quy định như sau:
Bước 1: Lập biên bản vi phạm
Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm đối với người lao động.
Bước 2: Thông báo đến tổ chức đại diện, người đại diện của người lao động
Sau khi lập biên bản, người sử dụng lao động thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi.
Bước 3: Thu thập chứng cứ chứng minh lỗi (nếu có)
Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì thực hiện thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.
Nếu vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động.
Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
Bước 4: Thông báo thông tin về cuộc họp xử lý kỷ luật lao động
Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019 , người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:
– Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo các thông tin về cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 , bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp, bao gồm:
+ Nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động;
+ Họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động;
+ Hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động.
– Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động.
Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp.
Bước 5: Họp xử lý kỷ luật lao động
Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo tại bước 4.
Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
Lưu ý: Nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp.
Trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.
Bước 6: Ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động
Theo khoản 4 Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, 2 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết. Mọi thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp lý doanh nghiệp vui lòng liên hệ Hotline: 0982 466 166 để được tư vấn trực tiếp và chuyên sâu.
LIÊN HỆ TƯ VẤN