Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động định kỳ hàng nằm. Dưới đây là mẫu báo cáo tình hình tai nạn lao động cho doanh nghiệp mới nhất 2024.
1. Nghĩa vụ báo cáo tình hình tai nạn lao động
Theo quy định tại Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13, tai nạn lao động là tai nạn gây ra tổn thương trên bất kỳ bộ phận cơ thể, chức năng cơ thể hoặc thậm chí là gây tử vong người lao động, xảy ra trong quá trình lao động.
Tai nạn lao động gắn liền với việc người lao động thực hiện công việc, nhiệm vụ và có thể xảy ra trong trường hợp:
- Tại nơi người lao động làm việc và trong giờ làm việc, hoặc ngoài nơi làm việc và ngoài giờ làm việc khi người lao động đang thực hiện các nội dung công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
- Người lao động bị tai nạn trên đường đi làm từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc người lao động đang trên đường từ nơi làm việc về nhà.
Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Theo đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ:
- Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.
- Thực hiện thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện thống kê và báo cáo tình hình tai nạn lao động đến cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài người sử dụng lao động, liên quan đến báo cáo tình hình tai nạn lao động, có 02 cơ quan khác có thẩm quyền liên quan bao gồm:
- Ủy ban nhân dân xã báo cáo tai nạn lao động liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động trên địa bàn;
- Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp tai nạn lao động nghiêm trọng liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động trên địa bàn.
2. Thời hạn nộp báo cáo lao động?
Theo quy định Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, thời hạn nộp báo cáo được xác định như sau:
- Báo cáo tình hình 06 tháng đầu năm: nộp trước ngày 05/7 (số liệu thống kê 06 tháng đầu năm);
- Báo cáo năm: nộp trước ngày 10/01 năm sau (số liệu thống kê của cả năm trước).
Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP cũng quy định báo cáo tình hình tai nạn lao động gửi về Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Sau khi nhận được báo cáo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp rồi gửi báo cáo về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Cục Thống kê tỉnh.
3. Mẫu báo cáo tai nạn lao động mới nhất 2024
Mẫu báo cáo tình hình tai nạn lao động mới nhất năm 2024 quy định tại Phụ lục XII Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
4. Mức phạt khi chậm nộp báo cáo lao động
Theo quy định Điều 20 Nghị định 12/2022/NĐ-CP người sử dụng lao động nếu có một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt từ 05 triệu – 10 triệu đồng:
- Không thống kê tai nạn lao động;
- Không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo định kỳ không đầy đủ, báo cáo không chính xác hoặc không đúng thời hạn về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ, không chính xác, không đúng thời hạn về sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.
Đồng thời theo quy định tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ tăng gấp đôi.
Như vậy, nếu người sử dụng lao động không báo cáo tai nạn lao động sẽ bị xử phạt với mức phạt 10 triệu – 20 triệu đồng.
Xảy ra tai nạn lao động là điều mà cả người lao động và người sử dụng lao động đều không mong muốn xảy ra. Vì vậy, cả người lao động và người sử dụng cần hết sức lưu ý các vấn đề liên quan để hạn chế đến mức tối đa việc xảy ra tai nạn lao động.
Đồng thời, người sử dụng cần nghiêm túc thực hiện việc thống kê và báo cáo tình hình tai nạn lao động đến cơ quan có thẩm quyền một cách đầy đủ, chính xác và đúng hạn. Trường hợp có sự sai sót hoặc chậm trễ trong việc báo cáo, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
LIÊN HỆ TƯ VẤN