Thương hiệu và nhãn hiệu là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau tuy nhiên vẫn có nhiều người nhầm lẫn cho rằng hai khái niệm này là một. Mời quý độc giả cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Hùng Phúc để phân biệt rõ hơn về hai khái niệm này
1. Thương hiệu và nhãn hiệu khác nhau như thế nào?
1.1. Về định nghĩa
Nhãn hiệu, hay còn gọi là nhãn hiệu hàng hóa chính là thiết kế bên ngoài của hàng hóa – dịch vụ, dùng để phân biêt sản phẩm giữa các thương hiệu với nhau. Nhìn chung, bất kỳ kiểu chữ, hình ảnh, màu sắc…trên sản phẩm – dịch vụ mang đặc trưng riêng thì được gọi là nhãn hiệu, những dấu hiệu này được pháp luật bảo vệ và cấp quyền sở hữu, tránh bị làm giả. Nói tóm lại nhãn hiệu sinh ra để bảo vệ danh tính của thương hiệu.
Thương hiệu – là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức. Nói một cách đơn giản thì thương hiệu là tập hợp các tài sản vô hình và hữu hình của một công ty, dịch vụ hay sản phẩm, nó là cầu nối cảm xúc giữa khách hàng và doanh nghiệp.
1.2. Về tính hữu hình của nhãn hiệu và thương hiệu
Nhãn hiệu là những dấu hiệu nhận biết được bằng các giác quan thường là thị giác, đó có thể là chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Luật một số nước, như Hoa Kỳ, còn công nhận nhãn hiệu bằng mùi hương.
Thương hiệu thì khác, nó không hữu hình hay dễ nhận biết như nhãn hiệu. Khi nói: “Sản phẩm này có thương hiệu rồi”, người ta sẽ liên tưởng đến những yếu tố tạo nên danh tiếng cho sản phẩm đó, bao gồm cả hữu hình lẫn vô hình, như kiểu dáng, chất lượng sản phẩm, định hình nhãn hiệu của sản phẩm, giá cả, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng, cảm nhận của khách hàng…
1.3. Về cách tiếp cận, bảo hộ nhãn hiệu và thương hiệu
Nhãn hiệu là thuật ngữ được sử dụng trong luật và là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập thông qua thủ tục đăng ký (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng) và sau khi đăng ký và cấp giấy chứng nhận, nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ.
Thương hiệu không phải đối tượng điều chỉnh của luật và không được pháp luật bảo hộ. Chủ thể tạo ra thương hiệu cho một sản phẩm không phải người tạo ra sản phẩm đó, cũng không phải là cơ quan nhà nước mà chính là người tiêu dùng thông qua quá trình họ sử dụng và đánh giá sản phẩm. Thái độ và cảm nhận tích cực của một lượng đủ lớn người tiêu dùng đối với sản phẩm tạo nên thương hiệu cho sản phẩm đó.
1.4. Về giá trị của nhãn hiệu và thương hiệu
Nhãn hiệu sau khi thực hiện thủ tục đăng ký và được Cơ quan sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ thì sẽ trở thành tài sản và có thể được định giá tương tự các loại tài sản khác.
Thương hiệu thì không thể được định giá một cách dễ dàng bởi nó là thành quả của cả một quá trình. Việc định giá thương hiệu cần được thực hiện bởi một tổ chức dịch vụ định giá thực hiện, và thông thường nó phụ thuộc vào các tiêu chí.
2. Tại sao phải bảo hộ nhãn hiệu?
Nhãn hiệu là một dấu hiệu chỉ dẫn cô đọng là lời giới thiệu ngắn gọn về nguồn gốc và chất lượng của một sản phẩm. Một khi nhãn hiệu được biết đến rộng rãi trên thị trường thì lượng tiêu thụ sản phẩm sẽ ngày càng lớn, tăng vị thế cạnh tranh và thương hiệu cho doanh nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, vì một số lí do, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Khi sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều người biết tới, thương hiệu của doanh nghiệp càng được nâng cao, nhãn hiệu chưa đăng ký của doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị làm giả, làm nhái mà không bị pháp luật xử lý.
Trong một vài trường hợp, khi kinh doanh nhưng không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp còn có nguy cơ bị doanh nghiệp đối thủ đăng ký nhãn hiệu trước tại cơ quan có thẩm quyền. Điều này sẽ có ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh, uy tín, thương hiệu và lợi nhuận của doanh nghiệp về lâu dài.
Chính vì vậy, để phòng ngừa những vấn đề không đáng có xảy ra, mỗi doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh nên đăng ký nhãn hiệu sớm nhất có thể, để tránh trường hợp bị các doanh nghiệp khác lấy nhãn hiệu đi đăng ký và sử dụng.
Như vậy, theo các phân tích ở trên ta có thể thấy thấy các chủ thể cần hiểu rõ và phân biệt giữa nhãn hiệu và thương hiệu để giúp các sản phẩm, dịch vụ của các cá nhân hay tổ chức có giá trị và quyền lợi của các chủ sở hữu được bảo vệ tốt hơn.
Trên đây là giải đáp của Luật Hùng Phúc với nội dung “Phân biệt thương hiệu và nhãn hiệu”. Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 0982 466 166 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự quan tâm! Trân trọng./.
LIÊN HỆ TƯ VẤN