Người lao động được đình công hợp pháp trong trường hợp nào?

Đình công là biện pháp mà tập thể người lao động sử dụng khi phản đối các chính sách của người sử dụng lao động. Đây là hành động được pháp luật cho phép, tuy nhiên, để bảo vệ cả người sử dụng lao động và người lao động, không phải trong trường hợp nào đình công cũng được coi là hợp pháp. Vậy đình công được coi là hợp pháp trong các trường hợp nào?

1. Đình công là gì?

Điều 198 Bộ luật Lao động năm 2019 định nghĩa cụ thể về đình công như sau:

“Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.”

Như vậy, đình công là việc người lao động ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có sự tổ chức nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Đây là một trong những biện pháp giúp người lao động gây áp lực lớn đến người sử dụng lao động để đòi hỏi quyền lợi.

Việc người lao động đình công có thể là đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Tuy nhiên, người lao động chỉ được đảm bảo quyền lợi chính đáng khi đình công hợp pháp.

2. Đình công được coi là hợp pháp trong trường hợp nào?

Theo định nghĩa đã đề cập, đình công sẽ do tổ chức đại diện người lao động đứng ra lãnh đạo tập thể người lao động, đại diện cho họ giải quyết tranh chấp với người sử dụng lao động. Tranh chấp dẫn tới đình công là những tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Theo Điều 199 Bộ luật Lao động, người lao động chỉ có quyền đình công trong 02 trường hợp sau:

  • Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân mà không tiến hành hòa giải.
  • Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc có thành lập nhưng:+ Không ra quyết định giải quyết tranh chấp; hoặc

+ Người sử dụng lao động không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

người lao động được đình công hợp pháp trong trường hợp nào?
Người lao động được đình công hợp pháp trong trường hợp nào?

3. Trường hợp nào được coi là đình công bất hợp pháp

Điều 204 Bộ luật Lao động năm 2019 đã liệt kê cụ thể 06 trường hợp được xem là đình công bất hợp pháp, gồm:

1 – Không thuộc trường hợp được quyền đình công.

2 – Không do tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

3 – Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công.

Theo Điều 200 Bộ luật Lao động, đình công phải trải qua trình tự sau: (1) Lấy ý kiến về đình công – (2) Ra quyết định đình công và thông báo đình công – (3) Tiến hành đình công. Nếu không đảm bảo trình tự này, cuộc đình công sẽ là bất hợp pháp.

4 – Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

5 – Tiến hành đình công ở những nơi không được đình công.

Căn cứ Điều 209 Bộ luật Lao động, có thể kể đến các nơi sau: Công ty Thủy điện Hoà Bình, Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty Điều hành đường ống Tây Nam; Các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ,…

6 – Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.