NHỮNG VIỆC CẦN LÀM KHI THAY ĐỔI LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP

 

 

Chuyển đổi các loại hình doanh nghiệp là việc làm thay đổi hình thức pháp lý của doanh nghiệp từ loại hình này sang một loại hình khác. Trong bài viết này, phapluatdoanhnghiep.vn xin chia sẻ “ Những việc cần làm khi thay đổi loại hình doanh nghiệp ”.

Về những trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mời Quý khách xem tại https://phapluatdoanhnghiep.vn/tu-van-chuyen-doi-loai-hinh-doanh-nghiep/

Các công việc cần làm khi thay đổi loại hình doanh nghiệp:

  1. Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp phải quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ trường hợp chuyển từ công ty TNHH sang công ty cổ phần hoặc ngược lại mà công ty sau chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ thì không cần làm thủ tục quyết toán.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.

  1. Về vấn đề sử dụng hóa đơn

Khi thay đổi loại hình doanh nghiệp thì tên doanh nghiệp sẽ được thay đổi theo loại hình chuyển đổi sang mà không làm thay đổi mã số thuế và cơ quan quản lý thuế trực tiếp.

Đối với các số hoá đơn đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên trên tờ hoá đơn. Trong trường hợp doanh nghiệp vẫn có nhu cầu sử dụng hóa đơn đã đặt in thì cần thì phải thực hiện:

– Đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng;

– Gửi Thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC).

Trong trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng hết thì thực hiện như sau:

– Thông báo không tiếp tục sử dụng hóa đơn, sau đó thực hiện thủ tục hủy hóa đơn chưa sử dụng và thông báo kết quả huỷ hoá đơn với cơ quan thuế;

– Làm thủ tục Thông báo phát hành hóa đơn mới đến cơ quan thuế theo quy định.

  1. Doanh nghiệp có phải thay đổi dấu doanh nghiệp và thông báo thay đổi hay không?

Theo quy định pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp có quyền quyết định nội dung dấu của doanh nghiệp mà không bắt buộc phải thể hiện nội dung tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp như trước đây. Nhưng thông thường doanh nghiệp vẫn sẽ ghi nhận các nội dung này trên con dấu của bên mình. Do vậy, doanh nghiệp nên thay đổi mẫu con dấu để đồng nhất các thông tin.

  1. Thay đổi thông tin các tài sản đăng ký sở hữu bởi doanh nghiệp

Sau khi thay đổi loại hình doanh nghiệp dẫn đến thay đổi tên doanh nghiệp, các tài sản đăng ký sở hữu bởi doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo tên mới. Cụ thể:

– Đối với giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe;

– Đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

  1. Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

Việc thay đổi loại hình doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 29 của Luật này.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do; các yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Căn cứ pháp lý:

– Luật Doanh nghiệp 2020;

– Luật Quản lý thuế 2019;

– Luật Đất đai 2013;

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP;

– Nghị định 126/2020/NĐ-CP;

– Thông tư 58/2020/TT-BCA.

– Thông tư 26/2015/TT-BTC;

– Thông tư 39/2014/TT-BTC;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.