Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với loại hình doanh nghiệp này, pháp luật cũng có những quy định riêng biệt về đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước có được phép góp vốn vào các doanh nghiệp khác hay không? Mời quý độc giả cùng theo dõi qua bài viết dưới đây.
1. Doanh nghiệp nhà nước có được phép góp vốn vào doanh nghiệp khác?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 91/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP và khoản 12 Điều 2 Nghị định 140/2020/NĐ-CP) quy định về việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong đó bao gồm đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước cần tuân thủ các quy định của pháp luật khi thực hiện đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.
Doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán.
2. Doanh nghiệp nhà nước được phép đầu tư ra ngoài nhà nước thông qua những hình thức nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 quy định về các hình thức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước có thể áp dụng bao gồm:
– Góp vốn để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới;
– Mua cổ phần tại công ty cổ phần, mua phần vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
– Mua toàn bộ doanh nghiệp khác;
– Mua công trái, trái phiếu.
3. Doanh nghiệp nhà nước có được phép góp vốn để thành lập một doanh nghiệp mới?
Căn cứ khoản 3 Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 quy định về các trường hợp không được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp như sau:
“Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp
…
Các trường hợp không được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp:
a) Góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của doanh nghiệp;
b) Góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
…”
Theo đó, công ty mẹ có vốn nhà nước không được cùng với công ty con góp vốn để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
LIÊN HỆ TƯ VẤN
- THÔNG BÁO THAY ĐỔI LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP – LUẬT HÙNG PHÚC
- DÒNG VỐN FDI VÀ DDI ĐẦU TƯ TẠI TỈNH VĨNH PHÚC QUÝ I/2020 CHẢY CHẬM
- Nghỉ ốm đau trùng vào dịp lễ tết, người lao động được thanh toán bảo hiểm như thế nào?
- Thủ tục thay đổi địa điểm dự án đầu tư
- Chưa thanh toán hết các khoản nợ doanh nghiệp có được giải thể không?