Hiệu quả quản trị công ty phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả làm việc của người quản lý. Vậy người quản lý công ty hay người quản lý doanh nghiệp là ai? Pháp luật quy định như thế nào đối với người quản lý doanh nghiệp? Luật Hùng Phúc sẽ làm rõ nội dung này trong bài viết dưới đây.
1. Khái niệm về người quản lý công ty
Khoản 24 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, quy định: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
Như vậy, Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định rất rõ người quản lý doanh nghiệp là những người giữ chức vụ chính trong doanh nghiệp, nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty như: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Người quản lý trong từng loại hình doanh nghiệp
Đối với mỗi loại hình doanh nghiệp, pháp luật quy định những chức danh quản lý khác nhau, cụ thể:
Doanh nghiệp tư nhân
Người quản lý Doanh nghiệp tư nhân là Chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc quản lý doanh nghiệp và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
Công ty hợp danh
Người quản lý công ty hợp danh bao gồm: Thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
Công ty TNHH một thành viên
Người quản lý công ty TNHH một thành viên bao gồm các chức danh sau: Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Người quản lý công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm các chức danh quản lý sau: Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
Công ty Cổ phần
Người quản lý công ty cổ phần bao gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
3. Trách nhiệm của người quản lý công ty theo quy định của pháp luật
Thứ nhất, tuân thủ pháp luật, thực hiệnq uyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của pháp luật có liên quan, Điều lệ công ty, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, quyết định của chủ sở hữu công ty;
Thứ hai, thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một các trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty;
Thứ ba, trung thành với lợi ích của công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
Thứ tư, thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty (hoặc chủ sở hữu công ty) về các lợi ích liên quan của mình với công ty (như doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình là chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối);
Thứ năm, người quản lý là Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được tăng tiền lương, trả thưởng khi công ty không có khả năng thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn;
Thứ sáu, người quản lý là Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hoặc ít nhất 02 thành viên Hội đồng quản trị hoặc ít nhất 05 người quản lý khác hoặc trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập họp Hội đồng quản trị (Theo quy định khoản 3 Điều 157 về Cuộc họp Hội đồng quản trị, Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ bảy, cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác thông tin tài liệu theo yêu cầu của thành viên Hội đồng quản trị (Khoản 2 Điều 159 về Quyền được cung cấp thông tin của thành viên Hội đồng quản trị, Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ tám, có quyền xem xét, trích lục và sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung kê khai danh sách những người có liên quan của công ty và các hợp đồng, giao dịch tương ứng của họ với công ty. (điểm c, khoản 4 Điều 164 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ chín, chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba. (Khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ mười, người quản lý là thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có thể bị cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 0,1% tổng số cổ phần phổ thông khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác (Khoản 1 Điều 166 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ mười một, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của Kiểm soát viên hoặc Ban kiểm soát (Khoản 3 điều 171 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ mười hai, liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp trong từng trường hợp bị giải thể do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu không bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghia vụ tài sản khác (khoản 2, Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ mười ba, chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại do việc không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định về việc giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Toà án (Điều 209, Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ mười bốn, bị nghiêm cấm thực hiện một số hoạt động kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp (khoản 1 Điều 211, Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ mười lăm, được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến hết thời gian còn lại của nhiệm kỳ nếu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, quy định của luật đối với người quản lý (khoản 2 điều 218 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Thứ mười sáu, có những trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty (điểm d khoản 1 Điều 71; khoản 5 Điều 83; điểm đ khoản 1 Điều 165, Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022).
Như vậy, người quản lý trong một doanh nghiệp có thể là một hoặc nhiều người và có các nghĩa vụ, yêu cầu pháp lý nhất định như đã nêu trên. Nếu có vướng mắc nào liên quan đến người quản lý công ty, quản trị và điều hành doanh nghiệp, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ Hotline 0982 466 166 / 0979 80 1111 để được hỗ trợ giải đáp.
(Bài viết có tham khảo sách chuyên khảo của luật sư đầu ngành).
LIÊN HỆ TƯ VẤN