Bảo hiểm y tế là một hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và được ban hành không nhằm mục đích lợi nhuận, do nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia. Tuy nhiên, có một số hành vi bị nghiêm cấm trong Luật bảo hiểm y tế.
1. Các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia bảo hiểm y tế
Theo Điều 11 Luật Bảo hiểm y tế 2008 quy định nghiêm cấm các hành vi sau đây:
– Không đóng hoặc đóng bảo hiểm y tế không đầy đủ theo quy định của Luật này.
– Gian lận, giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế.
– Sử dụng tiền đóng bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế sai mục đích.
– Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế và của các bên liên quan đến bảo hiểm y tế.
– Cố ý báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu về bảo hiểm y tế.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chuyên môn, nghiệp vụ để làm trái với quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia bảo hiểm xã hội
Tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia bảo hiểm xã hội như sau:
– Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
– Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
– Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
– Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
– Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.
– Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.
– Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
– Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Các trường hợp truy thu BHYT, BHXH bắt buộc
Theo khoản 1 Điều 38 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 490/QĐ-BHXH 2023) quy định các trường hợp truy thu như sau:
– Truy thu do trốn đóng theo quy định tại Thông tư 20/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính
Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền, cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:
+ Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;
+ Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.
– Truy thu đối với người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ về nước truy đóng BHXH cho thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ chưa đóng: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
– Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm ký quyết định hoặc HĐLĐ (phụ lục HĐLĐ) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
– Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
LIÊN HỆ TƯ VẤN