Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Quốc hội cũng đã chốt thời điểm thực hiện chính sách tăng lương cơ sở và một số khoản trợ cấp, phụ cấp.
1. Chính sách tăng lương cơ sở từ 1/7/2023
– Từ ngày 01/7/2023:
- Thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.
- Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
- Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công để bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.
- Tăng 20,8% các khoản chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
– Từ ngày 01/01/2023:
Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW năm 2021 của Bộ Chính trị.
Việc thực hiện các chính sách tiền lương nêu trên được Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
2. Đối tượng nào được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH từ 01/7/2023?
Tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Quốc hội đã đồng ý tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp từ ngày 01/7/2023.
Theo đó, những người lao động đang lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH do ngân sách nhà nước đảm bảo trước ngày 01/7/2023 sẽ được điều chỉnh tăng thêm 12,5% trên mức hưởng tại tháng 6/2023.
Ngoài ra, những người lao động kể trên nếu nghỉ hưu trước năm 1995 nếu sau khi thực hiện điều chỉnh tăng thêm 12,5% lương hưu mà mức hưởng còn thấp thì còn được hỗ trợ thêm một phần tiền lương để có thể đảm bảo mức sống.
Tuy nhiên, mức tăng thêm cụ thể là bao nhiêu thì Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 chưa đề cập nhưng Nghị quyết này cũng nói rõ, việc hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách này sẽ do Chính phủ thực hiện.
Do đó, để biết chính xác những ai sẽ được tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH và những người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp được hỗ trợ thêm bao nhiêu tiền sau khi đã điều chỉnh tăng lương thì vẫn cần chờ thêm Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Trước đó, để thực hiện Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng với việc tăng 7,4% mức hưởng cho người đang lãnh lương hưu, trợ cấp BHXH trước đó, bao gồm:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
- Cán bộ cấp xã tại các Nghị định: Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 34/2019/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2010; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206-CP năm 1979 của Hội đồng Chính phủ.
- Cán bộ cấp xã đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CP năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111-HĐBT năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
- Quân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg.
- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg.
- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.Qua các Nghị định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, đối tượng được điều chỉnh tăng lương không có nhiều sự khác biệt.
Do đó, nếu không thay đổi, 07 nhóm đối tượng kể trên sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 12,5% mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngày 01/7/2023.
LIÊN HỆ TƯ VẤN