Việc một cá nhân hoặc doanh nghiệp nợ tiền thuế không còn xa lạ, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay. Vậy đối với các trường hợp nợ tiền thuế, cơ quan thuế sẽ áp dụng những biện pháo nào để thu tiền thuế nợ? Cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Các biện pháp thu tiền thuế nợ được cơ quan thuế áp dụng hiện nay
1.1. Biện pháp đôn đốc thu tiền thuế nợ
Biện pháp đôn đốc thu tiền thuế nợ được cơ quan thuế thực hiện trước khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ. Theo Quyết định 1129/QĐ-TCT 2022 quy định thì hằng tháng, sau ngày hệ thống chạy chương trình đôn đốc, công chức thuộc bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận tham gia thực hiện quy trình cần làm như sau:
– Trường hợp người nộp thuế chỉ có khoản nợ từ 01 ngày đến 30 ngày: Công chức thuộc bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận tham gia thực hiện quy trình sẽ thực hiện đôn đốc bằng điện thoại hoặc gửi tin nhắn hoặc gửi thư điện tử cho người nộp thuế để thông báo về số tiền thuế nợ.
– Trường hợp người nộp thuế có khoản nợ từ ngày thứ 31 trở lên thì công chức thuộc bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận tham gia thực hiện quy trình thực hiện việc ban hành Thông báo tiền thuế nợ theo mẫu số 01/TTN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế; các khoản nợ của người nộp thuế tại Thông báo tiền thuế nợ bao gồm các khoản nợ mới phát sinh từ 01 ngày trở lên.
1.2. Biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ
Nếu người nộp thuế thuộc trường hợp quy định tại Điều 124 Luật quản lý thuế 2019 thì cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ như sau:
– Thứ nhất là cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của người nộp thuế mở tại Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác.
– Thứ hai là cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.
– Thứ ba là đề nghị cơ quan hải quan cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
– Thứ tư là cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.
– Thứ năm là cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.
– Thứ sáu là cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ.
– Thứ bảy là cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Các biện pháp nêu trên chỉ chấm dứt thực hiện khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
(Theo khoản 1, khoản 2 Điều 125 Luật quản lý thuế 2019).
2. Được xóa nợ thuế trong trường hợp nào?
Những trường hợp được xóa nợ tiền thuế được quy định tại Điều 85 Luật quản lý thuế 2019 gồm:
(1) Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế.
(2) Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế.
(3) Các khoản nợ tiền thuế của người nộp thuế không thuộc các trường hợp nêu trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế các khoản nợ này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.
Nếu người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế trong trường hợp này trước khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế đã được xóa.
(4) Tiền thuế đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 8 Điều 59 Luật quản lý thuế 2019 và đã được gia hạn nộp thuế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 62 Luật quản lý thuế 2019 mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất, kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế.
LIÊN HỆ TƯ VẤN