CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM TRONG CÁC HỢP ĐÔNG THÔNG DỤNG?

Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi ký kết Hợp đồng đều mong muốn bên đối tác thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ theo Hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các bên thường xuyên có những hành vi vi phạm hợp đồng, xâm phạm quyền và lợi ích của bên còn lại, dẫn đến việc giải quyết tranh chấp hợp đồng rất phức tạp. Chính vì vậy, xu hướng tăng cường các chế tài phạt vi phạm trong Hợp đồng rất phổ biến hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, phapluatdoanhnghiep.vn sẽ phân tích chi tiết về chế tài phạt vi phạm trong các hợp đồng thông dụng.

hiểu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại như thế nào cho đúng ...

  1. Phạt vi phạm là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 418 Bộ luật dân sự năm 2015, Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Chế tài phạt vi phạm được quy định trong Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật xây dựng. Tuy nhiên, mỗi mức phạt vi phạm được quy định ở các luật là khác nhau.

  1. Mức phạt vi phạm trong các hợp đồng thông dụng
    • Hợp đồng Dân sự

Đối với các Hợp đồng dân sự, mức phạt vi phạm hoàn toàn do các bên thỏa thuận, không bị giới hạn mức tối đa. Cụ thể, Điều 418 BLDS năm 2015 quy định:

Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm

  1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
  2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
  3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Khi áp dụng chế tài này, các bên cần xác định rõ quan hệ hợp đồng giữa hai bên có phải là hợp đồng dân sự, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự không? Theo Điều 385 BLDS, Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Các Hợp đồng dân sự phổ biến như: Hợp đồng mua bán tài sản, Hợp đồng trao đổi tài sản, Hợp đồng tặng cho tài sản, Hợp đồng vay tài sản, Hợp đồng thuê tài sản, Hợp đồng thuê khoán tài sản, Hợp đồng mượn tài sản, Hợp đồng về quyền sử dụng đất, Hợp đồng hợp tác, Hợp đồng dịch vụ, Hợp đồng vận chuyển…

Vậy Hợp đồng được ký kết giữa 2 doanh nghiệp thì có được coi là Hợp đồng dân sự không?

Căn cứ quy định pháp luật trên, chúng ta phải xem xét nội dung, mục đích và sự lựa chọn của doanh nghiệp. Trường hợp hợp đồng được ký kết giữa hai pháp nhân nhưng để phục vụ cho hoạt động tiêu dùng như mua bàn ghế, máy tính cho văn phòng thì nếu Bên mua lựa chọn áp dụng luật dân sự thì được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Ngược lại, mục đích mua bàn ghế, máy tính để kinh doanh, buôn bán thì thuộc sự điều chỉnh bởi Luật Thương mại.

  • Hợp đồng thương mại

Trong Luật thương mại năm 2005 không có quy định nào về định nghĩa hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, có thể hiểu Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh với nhau nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại.

Trong các hợp đồng thương mại, các bên chỉ được thỏa thuận phạt vi phạm: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật Thương mại.”

Trong thực tiễn xét xử, các vụ án kinh doanh thương mại, nếu các bên thỏa thuận phạt vi phạm trên 8% nghĩa vụ bị vi phạm, các Tòa án thường căn cứ vào Điều 301 Luật Thương mại 2005 để ấn định mức phạt tối đa là 8% nghĩa vụ bị vi phạm mà không có nhiều lập luận về phần vượt quá. Đa số các bản án nhận định việc “thỏa thuận mức phạt cao hơn 8% nghĩa vụ bị vi phạm là không phù hợp”.

Như vậy, Luật Thương mại chỉ quy định “mức trần” phạt vi phạm nhưng lại không quy định về việc xử lý khi hai bên thỏa thuận phạt vi phạm vượt quá “mức trần” này. Theo quan điểm của chúng tôi, “mức trần” được đưa ra là không có cơ sở, nên loại bỏ để hai bên được tự do thỏa thuận nhằm đảm bảo chế tài phạt hợp lý, hạn chế các hành vi vi phạm hợp đồng.

  • Hợp đồng xây dựng

Mức phạt trong hợp đồng xây dựng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm, cụ thể Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014 quy định:

Điều 146. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

  1. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
  2. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác
  1. Điều kiện áp dụng phạt vi phạm

Theo các quy định pháp luật trên, chỉ được áp dụng chế tài phạt vi phạm khi:

  • Hợp đồng có hiệu lực:

Các quy định về phạt vi phạm đều nằm trong phần thực hiện hợp đồng (BLDS 2015) và phần chế tài trong Luật Thương mại 2015. Điều này có nghĩa là phạt vi phạm chỉ có giá trị khi hợp đồng có hiệu lực. Như vậy, hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận mới có giá trị pháp lý. Ngược lại, nếu hợp đồng vô hiệu thì thỏa thuận phạt vi phạm cũng không có hiệu lực pháp luật.

  • Có vi phạm nghĩa vụ

Khoản 1 Điều 351 BLDS 2015 quy định: “Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ”. Vậy, chế tài phạt vi phạm chỉ được áp dụng khi bên kia có hành vi vi phạm các thỏa thuận được quy định rõ trong hợp đồng.

  • Có thỏa thuận phạt vi phạm giữa các bên

Giữa các bên phải có thỏa thuận phạt vi phạm, theo quy định của BLDS 2015 thì mức phạt do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Khoản 1 Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Như vậy, thỏa thuận phạt vi phạm chỉ được áp dụng khi có đủ 3 yếu tố trên. Khác với bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại căn cứ vào yếu tố lỗi và thiệt hại xảy ra thì phạt vi phạm hợp đồng không đề cập đến lỗi, thiệt hại mà chỉ căn cứ vào thỏa thuận của hai bên.

Với việc nắm rõ các quy định của pháp luật hiện hành và có kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn quý khách hàng các dịch vụ như sau:

  • Tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến: Hợp đồng thương mại, Hợp đồng dân sự và các thỏa thuận khác trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Soạn thảo hợp đồng, đánh giá, rà soát các quy định trong Hợp đồng nhằm đảm bảo sự phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và quyền, lợi ích của doanh nghiệp;
  • Hỗ trợ và tham gia cùng Quý Khách hàng đàm phán với đối tác/bên thứ ba để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của Quý Khách hàng;
  • Tư vấn các vấn đề khác liên quan đến doanh nghiệp như: Giấy phép con, Xin chấp thuận Dự án đầu tư, Lao động, Sở hữu trí tuệ ….

Nếu khách hàng đang có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ pháp lý trong việc dự thảo hoặc đánh giá rủi ro pháp lý trong các hợp đồng, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được sử dụng các dịch vụ pháp lý tốt nhất.

phapluatdoanhnghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.