Người lao động nghỉ ốm quá lâu, doanh nghiệp có được đuổi việc?

Ốm đau là điều không ai mong muốn đối với cả người lao động và đối với phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu người lao động nghỉ ốm quá lâu sẽ ảnh hưởng đến năng xuất lao động, tiến độ công việc của công ty. Người lao động nghỉ ốm quá lâu doanh nghiệp có được phép sa thải hay không? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây của Luật Hùng Phúc.

1. Người lao động được nghỉ ốm trong thời gian bao lâu

Căn cứ Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động bị ốm đau, tai nạn mà có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì được nghỉ làm hưởng chế độ BHXH như sau:

* Trường hợp nghỉ ốm thông thường:

– Người làm việc trong điều kiện bình thường: Được nghỉ 30 – 60 ngày làm việc tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH.

– Người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên: Được nghỉ 40 – 70 ngày làm việc tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH.

* Trường hợp nghỉ ốm do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày:

Người lao động được nghỉ 180 ngày/năm (tính cả ngày lễ, Tết và nghỉ hằng tuần). Nếu hết 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Ngoài ra nếu muốn nghỉ làm dài hơn thời gian hưởng chế độ nói trên, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc xin nghỉ không lương.

Theo khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu người sử dụng lao động đồng ý, người lao động hoàn toàn có thể nghỉ ốm với thời gian dài hơn nhưng thời gian kéo dài đó sẽ không được trả lương, cũng không được cơ quan BHXH thanh toán chế độ.

người lao động nghỉ ốm quá lâu, doanh nghiệp có được đuổi việc?
Người lao động nghỉ ốm quá lâu, doanh nghiệp có được đuổi việc?

2. Doanh nghiệp có được phép sa thải người lao động nghỉ ốm quá lâu?

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể chủ động về mặt nhân sự trong sản xuất, kinh doanh, khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ:

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

Theo quy định này, công ty hoàn toàn có quyền đuổi việc nhân viên vì lý do ốm đau nếu người lao động đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Người làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn: Bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục mà khả năng lao động chưa hồi phục.

– Người làm việc theo hợp đồng từ 12 tháng đến 36 tháng: Bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng lao động chưa hồi phục.

– Người làm việc theo hợp đồng dưới 12 tháng: Bị ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Ngược lại với những trường hợp nghỉ ốm không liên tục hoặc liên tục nhưng chưa quá thời gian nói trên thì công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đó.

3. Rủi ro cho doanh nghiệp khi sa thải người lao động ốm đau

Theo điểm c khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, khi cho người lao động nghỉ việc, công ty phải thông báo trước đến người lao động đó ít nhất 03 ngày làm việc. Thông báo này phải được gửi đến người lao động dưới hình thức bằng văn bản (theo khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019).

Tuy nhiên, nhiều công ty chỉ thông báo đơn giản cho người lao động chứ không gửi văn bản cho người lao động. Hành vi có thể khiến người sử dụng lao động bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 01 đến 03 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Thực tế, do ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh nên nhiều công ty còn muốn cho nhân viên đang nghỉ điều trị ốm đau nghỉ việc sớm hơn thời gian luật định. Lúc này nếu không thỏa thuận trước với người lao động mà cho họ nghỉ việc, công ty sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Căn cứ Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019, công ty buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời còn phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.