Các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, không chỉ giúp cải thiện quy mô kinh doanh, thay đổi cơ cấu tài chính, quyền kiểm soát mà còn mở ra những cơ hội kinh doanh mới, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Dưới đây là 17 hình thức mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thường gặp hiện nay.
1. Hình thức M&A được phân loại theo chức năng của các công ty thành viên
Dựa theo chức năng của các công ty, doanh nghiệp tham gia vào thương vụ M&A, hoạt động M&A được phân thành 3 hình thức sau:
- M&A chiều ngang (Horizontal);
- M&A chiều dọc (Vertical);
- M&A kết hợp (Conglomerate).
Trong đó:
* Mua bán, sáp nhập (M&A) theo chiều ngang:
M&A chiều ngang (hay mua bán, sáp nhập cùng ngành) là hình thức mua bán, sáp nhập diễn ra giữa các công ty, doanh nghiệp trong cùng ngành. Các công ty này thường là đối thủ cạnh tranh của nhau, cùng kinh doanh cùng 1 hoặc 1 nhóm sản phẩm, dịch vụ và có cùng thị trường tiêu thụ.
Việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp theo hình thức này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng sức mạnh và giá trị thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, khi lựa chọn hình thức mua bán, sáp nhập này cần quan tâm đến sự phù hợp văn hóa doanh nghiệp giữa các bên. Bởi sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp có thể gây ra những khó khăn trong việc tiếp quản và điều phối nhân sự.
* Mua bán, sáp nhập (M&A) theo chiều dọc:
M&A chiều dọc là hoạt động sáp nhập hoặc mua lại giữa các công ty, doanh nghiệp có cùng chuỗi giá trị sản xuất nhưng thực hiện các giai đoạn sản xuất khác nhau.
Ví dụ: Sáp nhập 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất cao su với 1 doanh nghiệp sản xuất nệm cao su.
Trong thực tế, hoạt động sáp nhập theo chiều dọc thường là thu mua 1 đối tác hoặc nhà cung cấp. Việc thu mua này mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như:
– Kiểm soát được nguồn hàng, nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp;
– Kiểm soát/khống chế nguồn hàng của đối thủ cạnh tranh;
– Giảm thiểu chi phí trung gian, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
* Mua bán, sáp nhập kết hợp:
M&A kết hợp là hoạt động mua bán, sáp nhập được thực hiện giữa các công ty để tạo thành tập đoàn kinh tế. Trong thương vụ này, một công ty lớn sẽ thực hiện mua lại nhiều công ty nhỏ. Các công ty nhỏ bị mua lại có thể hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề và ở các khu vực địa lý khác nhau.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn còn xem M&A kết hợp là công cụ hữu hiệu để theo đuổi chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhưng vẫn giảm thiểu được tối đa các rủi ro nhờ việc tiết kiệm chi phí gia nhập thị trường và đạt được mục đích gia tăng lợi luận nhờ kinh doanh đa dạng sản phẩm, dịch vụ.
2. Hình thức M&A được phân loại theo chủ thể tham gia thương vụ M&A
Căn cứ chủ thể tham gia vào thương vụ M&A, hoạt động M&A được phân thành:
- M&A trong nước;
- M&A quốc tế (hay M&A xuyên quốc gia).
Trong đó:
* M&A trong nước:
Là hoạt động mua bán, sáp nhập diễn ra giữa các công ty, doanh nghiệp trong cùng 1 quốc gia, cùng 1 lãnh thổ và không có sự kết hợp giữa các tài sản xuyên biên giới.
* M&A quốc tế:
Là hoạt động mua bán, sáp nhập diễn ra giữa các công ty, doanh nghiệp thuộc các quốc gia khác nhau. Sau khi hoàn tất thương vụ, các công ty vẫn duy trì hoạt động ở mỗi quốc gia. Hình thức M&A quốc tế thường xảy ra giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, chứng khoán và bán lẻ.
Hình thức M&A này không chỉ giúp công ty thu mua gia tăng giá trị doanh nghiệp, thu hút đầu tư mà còn có thể tận dụng các thế mạnh của công ty bị thu mua (như nhân công, bến bãi, công nghệ, tập khách hàng…) để đưa sản phẩm, dịch vụ trong nước ra thị trường quốc tế.
3. Hình thức M&A được phân loại theo phạm vi, lãnh thổ diễn ra thương vụ M&A
Dựa theo phạm vi, lãnh thổ, hoạt động M&A có thể phân thành 3 loại là:
- Inbound M&A: Là hình thức mua bán, sáp nhập trong đó các công ty, tập đoàn, tổ chức kinh tế nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường của một quốc gia thông qua việc thâu tóm hoặc đầu tư vào 1 doanh nghiệp nội địa của quốc gia đó.
- Outbound M&A: Là hình thức mua bán, sáp nhập trong đó các công ty, tập đoàn trong nước thực hiện đầu tư ra thị trường nước ngoài thông qua việc thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài tại nước đến đầu tư.
- Domestic M&A: Là hình thức mua bán, sáp nhập diễn ra giữa các doanh nghiệp trong cùng 1 quốc gia, bao gồm cả công ty nội địa, công ty có vốn nước ngoài thành lập và hoạt động tại quốc gia đó.
4. Hình thức M&A được phân loại theo mục đích của thương vụ M&A
Căn cứ theo mục đích của thương vụ M&A, hoạt động M&A được phân thành 2 hình thức sau:
- Mua bán, sáp nhập mở rộng sản phẩm: Là hoạt động mua bán, sáp nhập đặc biệt, được thực hiện giữa 2 công ty kinh doanh sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn khác nhau nhưng thị trường tiêu thụ liên quan nhau. Mục đích của thương vụ sáp nhập này là giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận từ việc kinh doanh đa dạng sản phẩm.
- Mua bán, sáp nhập mở rộng thị trường: Là hoạt động mua bán, sáp nhập diễn ra giữa các công ty kinh doanh cùng loại sản phẩm, dịch vụ nhưng ở các thị trường khác nhau.
Ví dụ: Công ty sản xuất gạch ở Vĩnh Phúc mua lại công ty sản xuất gạch ở Phú Thọ
Ngoài 2 hình thức kể trên, thương vụ M&A xét trên tiêu chí này còn có 3 hình thức khác tương tự khi xét theo tiêu chí chức năng của các công ty thành viên là: sáp nhập ngang, sáp nhập dọc và sáp nhập kết hợp (sáp nhập kiểu tập đoàn).
Còn tiếp…
LIÊN HỆ TƯ VẤN
- NÊN LỰA CHỌN CÔNG TY CỔ PHẦN HAY CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN ?
- Quyết định số: 1034/QĐ-BGTVT ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020 của Bộ giao thông vận tải
- THỦ TỤC CHẤM DỨT DỰ ÁN ĐẦU TƯ
- 10 nội dung bắt buộc trong hợp đồng lao động
- Có được phép góp vốn bằng quyền tác giả?