KINH DOANH NGÀNH NGHỀ CHƯA ĐĂNG KÝ TRONG HỒ SƠ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP?

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm trừ trường hợp kinh doanh có điều kiện.

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện nay không còn thể hiện ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp dự kiến thực hiện với cơ quan đăng ký kinh doanh trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp muốn kinh doanh thêm ngành nghề mà chưa đăng ký trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh để cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhập thông tin về ngành nghề mới trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo Điều 32, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Doanh nghiệp khi thay đổi ngành nghề kinh doanh không thông báo sẽ bị phạt

Theo khoản 2 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2014, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Khi thay đổi ngành nghề kinh doanh chậm thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ bị phạt theo quy định tại Điều 25 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, cụ thể:

– Phạt tiền từ 1 triệu đồng – 5 triệu đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn từ 01 – 30 ngày.

– Phạt tiền từ 5 triệu đồng – 10 triệu đồng với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn từ 31 – 90 ngày.

– Phạt tiền từ 10 triệu đồng – 15 triệu đồng khi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.

Như vậy, khi quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi mà doanh nghiệp không tiến hành đăng ký thay đổi thì sẽ bị xử phạt vi phạm với mức tiền phạt tương ứng nêu trên.

Doanh nghiệp sẽ bị phạt khi không đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký kinh doanh không đúng như giấy phép được cấp

Theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định như sau:

* Đối với hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
  3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
  4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  5. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 4 như trên trong trường hợp kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

* Đối với hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy phép kinh doanh

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh;

b) Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời gian, địa bàn, địa điểm, mặt hàng ghi trong Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh được cấp.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh mà không có Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định;

b) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh khi Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực;

c) Sử dụng Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 như trên đối với đối tượng hoạt động sản xuất công nghiệp hoặc kinh doanh phân phối, bán buôn sản phẩm rượu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Khi doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện

Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Có thể hiểu rằng, về điều kiện kinh doanh chính là các yêu cầu từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc các doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện được thể hiện cụ thể trên giấy phép kinh doanh (mã ngành, nghề), giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.

Như vậy, bản chất của việc yêu cầu các chủ thể phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng thì doanh nghiệp mới có thể kinh doanh được các ngành nghề này.

Cơ sở pháp lý:

– Luật Doanh nghiệp 2014;

– Luật Đầu tư 2014;

– Nghị định 50/2016/NĐ-CP;

– Nghị định 124/2015/NĐ-CP.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.