ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN HẢI QUAN

doanh nghiệp ưu tiên hải quan và những điều cần biết

Doanh nghiệp được ưu tiên trong giải quyết thủ tục hải quan sẽ được hưởng nhiều ưu đãi trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan nếu đáp ứng được những điều kiện do pháp luật quy định. Bài viết dưới đây,phapluatdoanhnghiep.vn xin chia sẻ về “Điều kiện để được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên hải quan” như sau:

  1. Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 02 năm liên tục:

Trong thời hạn 02 (hai) năm liên tục, gần nhất tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi sau:

– Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

– Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và các chức danh tương đương;

– Đối với đại lý làm thủ tục hải quan, số tờ khai hải quan đại lý làm thủ tục đứng tên bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế thuộc thẩm quyền xử lý của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và chức danh tương đương không vượt quá tỷ lệ 0,5% tính trên tổng số tờ khai đã làm thủ tục hải quan.

– Không nợ thuế quá hạn theo quy định.

  1. Có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm đạt mức quy định.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của 02 (hai) năm liên tục, gần nhất tính đến ngày doanh nghiệp có văn bản đề nghị xem xét (không bao gồm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác) đạt một trong các mức sau:

– Doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 triệu USD/năm trở lên.

– Doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên.

– Doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam từ 30 triệu USD/năm trở lên.

* Lưu ý:Không áp dụng điều kiện này đối với các doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao.

  1. Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử và có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan.
  2. Thực hiện thanh toán qua ngân hàng:

– Thực hiện thanh toán đối với các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu qua ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

– Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan số tài khoản, danh sách các ngân hàng giao dịch.

  1. Có hệ thống kiểm soát nội bộ:

a, Doanh nghiệp thực hiện và duy trì các quy trình quản lý, giám sát, kiểm soát vận hành thực tế toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp;

b, Doanh nghiệp có các biện pháp, phương tiện, quy trình kiểm soát nội bộ đảm bảo an ninh an toàn dây chuyền cung ứng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

– Theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa từ doanh nghiệp đến cảng và từ cảng về doanh nghiệp;

– Kiểm tra an toàn container trước khi xếp hàng lên phương tiện vận tải;

– Giám sát tại các vị trí quan trọng: Khu vực tường rào, cổng ra vào, kho bãi, khu vực sản xuất, khu vực hành chính;

– Phân quyền công nhân viên di chuyển, làm việc tại các khu vực phù hợp với nhiệm vụ;

– Kiểm soát an ninh hệ thống công nghệ thông tin;

– An ninh nhân sự.

  1. Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán

– Áp dụng các chuẩn mực kế toán theo quy định của Bộ Tài chính.

– Báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập.

Ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính nêu trong báo cáo kiểm toán phải là ý kiến chấp nhận toàn phần theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.