Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại

Hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp luôn gắn lền với tên của doanh nghiệp đó. Tên thương mại đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một doanh nghiệp. Để phân biệt chính bản thân doanh nghiệp đó với doanh nghiệp cạnh tranh khác các vấn đề cần quan tâm hàng đầu của một doanh nghiệp là quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại.

tên thương mại
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại

1. Định nghĩa tên thương mại

Theo quy định tại Điều 4 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2009, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Khu vực kinh doanh quy định tại Điều này được coi là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

2. Điều kiện bảo hộ tên thương mại

Theo quy định tại Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp 1883 (Công ước Paris) về tên thương mại và chống cạnh tranh không lành mạnh: Các nước thành viên phải bảo hộ tên thương mại mà không được đặt ra yêu cầu về việc nộp đơn yêu cầu bảo hộ hoặc đăng ký. Mỗi nước thành viên phải dành sự bảo hộ có hiệu quả nhằm chống cạnh tranh không lành mạnh. Công ước không quy định cụ thể cách thức bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh mà các quốc gia có quyền tự do quy định trong luật của mình.

Theo Điều 76 và Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, để được bảo hộ, tên thương mại phải tại Việt Nam, các doanh nghiệp cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:

  • Có khả năng phân biệt giữa chủ thể kinh doanh mang tên đó với chủ thể kinh doanh khác;
  • Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi;
  • Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
  • Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. Xem thêm: Phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu

Thực tế tên thương mại thường là tên doanh nghiệp hoặc được sử dụng thường xuyên trong hoạt động kinh doanh của mỗi chủ thể kinh doanh, nên quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tên thương mại đó tại Cục sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 77 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, một số đối tượng sau không được bảo hộ dưới danh nghĩa tên thương mại:

  • Tên của cơ quan nhà nước;
  • Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
  • Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp;
  • Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
  • Chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.

3. Quyền của chủ sở hữu đối với tên thương mại

Quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tên thương mại đó tại Cục sở hữu trí tuệ.

Theo khoản 2 Điều 121 và khoản 5 Điều 124 Luật SHTT 2005, khi đã sở hữu hợp pháp quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, chủ thể sở hữu sẽ được quyền: sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại đó trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa và quảng cáo;

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 141 Luật SHTT 2005 quy định quyền sử dụng tên thương mại không được chuyển giao. Quyền chuyển giao tên thương mại theo hợp đồng hoặc thừa kế cho người khác với điều kiện việc chuyển giao phải được tiến hành cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó; yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm tên thương mại.

4. Hành vi xâm phạm đối với tên thương mại

Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

Việc đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ của người khác mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của tên thương mại là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.