Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có thể hoạt động dưới nhiều mô hình và có quyền được lựa chọn hoạt động theo một trong các mô hình đó.
1. Công ty cổ phần là gì?
Theo khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
2. Các mô hình quản trị công ty cổ phần
Quy định của pháp luật về quản trị công ty hầu hết tập trung vào công ty cổ phần, đặc biệt là công ty đại chúng và công ty niêm yết. Quy định về quản trị công ty cổ phần theo Điều 41 Luật chứng khoán 2019 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chỉnh phủ gồm 4 nhóm vấn đề chính: Mô hình quản trị doanh nghiệp; trình tự, thủ tục ra quyết định trong doanh nghiệp; bảo vệ thành viên và cổ đông công ty; công khai và minh bạch hoá thông tin.
Theo khoản 1 điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) quy định công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo 1 trong 2 mô hình là có hoặc không có Ban kiểm soát (trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác), nhưng thực chất gồm 3 mô hình cụ thể sau:
Thứ nhất, mô hình gồm có 4 cơ quan: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Ban kiểm soát (bắt buộc phải có Ban kiểm soát).
Thứ hai, mô hình gồm 3 cơ quan: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát).
Thứ ba, mô hình gồm có 3 cơ quan: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, đồng thời có ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị (thay thế Ban kiểm soát bằng cơ chế khác).
Cả 3 mô hình giống nhau ở chỗ đều có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Điểm khác nhau là mô hình thứ nhất bắt buộc có Ban kiểm soát, mô hình thứ 2 không bắt buộc có Ban kiểm soát và mô hình thứ 3 là một sự lựa chọn khác của mô hình thứ nhất, tức phải có cơ cấu khác thay thế cho Ban kiểm soát. Mô hình thứ 3 tăng thêm một sự lựa chọn cho công ty chứ không phải đơn giản hơn mô hình thứ nhất.
Mô hình thứ nhất và thứ 3 được áp dụng đối với công ty cổ phần có từ 11 cổ đông trở lên hoặc có dưới 11 cổ đông nhưng đồng thời có các cổ đông là tổ chức sở hữu từ 50% tổng số cổ phần của công ty trở lên. Mô hình thứ 2 được áp dụng đối với các công ty cổ phần còn lại. Mô hình yêu cầu phải và không phải có Ban kiểm soát có sự bất hợp lý ở chỗ: nếu công ty có 10 cổ đông cá nhân thì không cần bất cứ kiểm soát viên nào, nhưng nếu công ty có 11 cổ đông trở lên thì lại phải có Ban kiểm soát với số lượng tối thiểu là 3 thành viên theo khoản 1 Điều 168 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022).
(Bài viết có tham khảo sách chuyên khảo của luật sư đầu ngành).
LIÊN HỆ TƯ VẤN
- QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
- CÁC TRƯỜNG HỢP BỊ THU HỒI VÀ TRÌNH TỰ THU HỒI GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
- Hướng dẫn thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp bằng hình thức online
- Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc
- THỜI HẠN VÀ CÁCH THỨC THANH TOÁN CỔ TỨC TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN