03 điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh

Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến để thay thế cho các quy định về hộ kinh doanh tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

1. Bỏ mã số hộ kinh doanh trên giấy chứng nhận

Khoản 1 Điều 14 dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh dự kiến quy định:

“Mã số hộ kinh doanh là dãy số được tạo tự động bởi Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế và truyền sang Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh để cấp cho hộ kinh doanh khi đăng ký hộ kinh doanh. Mã số hộ kinh doanh được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Mã số này đồng thời là mã số thuế của hộ kinh doanh.”

Khác với hiện nay, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định, mã số đăng ký hộ kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là mã số đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh do Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp.

Mặt khác, Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT lại quy định:

“Mã số hộ kinh doanh là dãy số được tạo tự động bởi Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế và truyền sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh để cấp cho hộ kinh doanh khi đăng ký hộ kinh doanh. Mã số hộ kinh doanh được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Mã số này đồng thời là mã số thuế của hộ kinh doanh.”

Tức là, trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hiện nay, đang ghi nhận song song 02 mã số của hộ kinh doanh là mã số đăng ký kinh doanh và mã số hộ kinh doanh (đồng thời là mã số thuế hộ kinh doanh).

Theo đó, Dự thảo Nghị định đã bãi bỏ quy định về mã số đăng ký hộ kinh doanh tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và chỉ quy định về mã số hộ kinh doanh trên cơ sở kế thừa quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT.

Nếu dự thảo này được thông qua thì mã số hộ kinh doanh sẽ là mã số thuế của hộ kinh doanh và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

03 điểm mới đáng chú ý tại dự thảo nghị định về hộ kinh doanh

2. Hộ gia đình không được đăng kí hộ kinh doanh

Hiện nay, khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

Theo dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh đưa ra 02 phương án quy định về quyền thành lập hộ kinh doanh. Cụ thể:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình.

Phương án 2: Đối tượng thành lập hộ kinh doanh chỉ là cá nhân.

Theo Tờ trình Dự thảo Nghị định này, phương án 2 được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng phù hợp với thực tiễn bởi theo số liệu đăng ký thành lập hộ kinh doanh từ 01/7/2023 – 15/8/2023, có tới 99,98% hộ kinh doanh được thành lập bởi cá nhân.

3. Ghi mã ngành nghề kinh doanh theo mã cấp 4

Khoản 1 Điều 89 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh (ghi tự do) trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh.

Song, tại Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT đã bổ sung quy định khi thành lập hộ kinh doanh thì phải lựa chọn ngành kinh tế cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh chính của hộ kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.

So với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định yêu cầu ghi 01 ngành, nghề kinh doanh chính và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (nếu có) theo mã ngành cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh/bổ sung, thay đổi ngành, nghề/cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.