Người sử dụng lao động và người lao động có những quyền lợi, nghĩa vụ nhất định với nhau. Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình, người lao động cần biết một số kiến thức pháp lý trước khi ký kết hợp đồng lao động, trong đó có những yêu cầu tuyển dụng vi phạm pháp luật mà các nhà tuyển dụng có thể thiếu hiểu biết hoặc vô tình vi phạm.
1. Nhà tuyển dụng yêu cầu giữ bằng đại học, chứng chỉ hành nghề
Luật Lao động năm 2019 nêu rõ các hành vi cấm các nhà tuyển dụng làm khi ký hợp đồng lao động với người lao động, trong đó có hành vi không được giữ các giấy tờ tùy thân, chứng chỉ, văn bằng của người lao động. Cụ thể, tại Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hành vi bị cấm khi doanh nghiệp ký và thực hiện hợp đồng lao động:
– Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
– Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
– Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Do đó, việc nhà tuyển dụng yêu cầu giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20 – 25 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 40 – 50 triệu đồng (đối với tổ chức) theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
2. Nhà tuyển dụng yêu cầu thử việc nhiều hơn 2 tháng
Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời gian thử việc:
– Tối đa 180 ngày cho công việc của người quản lý doanh nghiệp.
– Tối đa 60 ngày cho công việc yêu cầu trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên.
– Tối đa 30 ngày cho công việc yêu cầu trình độ chuyên môn từ trung cấp hoặc công nhân kỹ thuật.
– Tối đa 06 ngày làm việc cho các công việc khác.
Ngoài ra, nhà tuyển dụng chỉ được yêu cầu người lao động thử việc 1 lần với một công việc. Như vậy, yêu cầu thử việc nhiều hơn 2 tháng chỉ áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp. Các trường hợp khác, nhà tuyển dụng có yêu cầu thử việc hơn 2 tháng là hành vi vi phạm pháp luật.
Khi đó, người tuyển dụng là cá nhân có thể bị phạt từ 02 – 05 triệu đồng hoặc từ 04 – 10 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
3. Nhà tuyển dụng yêu cầu ký cam kết không mang thai trong thời gian đầu làm việc
Tại Điều 10 của Pháp lệnh dân số 06/2003/PL-UBTVQH11, sửa đổi bởi Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 có quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản: hai vợ chồng có quyền tự ý quyết định thời gian và khoảng cách sinh con của mình.
Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu lao động nữ cam kết không mang thai tức là can thiệp, cản trở quyền tự do quyết định thời điểm sinh con của cá nhân. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Do đó, văn bản cam kết không mang thai khi làm việc sẽ không có giá trị pháp lý.
4. Nhà tuyển dụng yêu cầu đặt cọc tiền để đảm bảo không tự ý nghỉ việc
Căn cứ khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Do đó, việc nhà tuyển dụng yêu cầu người lao động đặt cọc tiền để đảm bảo không tự ý nghỉ việc là hành vi vi phạm quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20 – 25 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 40 – 50 triệu đồng (đối với tổ chức) theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
5. Nhà tuyển dụng yêu cầu người lao động ký cam kết làm việc dài hạn, nếu bỏ việc sẽ bị bồi thường
Cam kết thời gian làm việc dài hạn là loại cam kết yêu cầu người lao động phải làm việc trong thời gian đó, nếu tự ý bỏ việc hoặc muốn nghỉ việc khi chưa hết hạn cam kết nhưng có thông báo trước thì phải bồi thường.
Theo Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng kể cả loại hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Trừ trường hợp, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật mới bị bồi thường.
Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp người lao động đi học nghề, đào tạo nghề, chi phí đào tạo được lấy từ người sử dụng lao động. Vậy nên, hai bên có ký cam kết thời gian làm việc sau khi đào tạo, yêu cầu người lao động phải làm việc trong một thời gian nhất định và không được tự ý bỏ việc. Đối với trường hợp này, người lao động phải thực hiện đúng cam kết.
Do đó, nếu không phải là trường hợp dạy nghề, đào tạo nghề lấy từ kinh phí người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động không được phép yêu cầu người lao động ký cam kết làm việc dài hạn và phải bồi thường khi bỏ việc.
Trên đây là 5 yêu cầu vi phạm pháp luật thường thấy của nhà tuyển dụng đưa ra, người lao động cần lưu ý để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu có vướng mắc trong quá trình ký kết hợp đồng lao động, vui lòng liên hệ Luật Hùng Phúc theo hotline 0982 466 166 để được tư vấn, hỗ trợ.
LIÊN HỆ TƯ VẤN
- Hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa
- BỐ CÁO LÀ GÌ? VÌ SAO DOANH NGHIỆP PHẢI ĐĂNG BỐ CÁO ĐIỆN TỬ
- CÁC THỦ TỤC MÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI CẦN LÀM KHI SỐNG VÀ LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM
- Thời gian hoạt động dự án đầu tư theo quy định mới nhất của Luật đầu tư
- Cho thuê nhà trọ cần đăng kí kinh doanh dưới hình thức nào?